Vốn Điều Lệ Là Gì? Vai Trò Và Ý Nghĩa Của Vốn Điều Lệ

Kế Toán Đại Tín Bình Dương

- 8h AM - 5h PM

- Thứ 2 đến thứ 7

 

Hotline hỗ trợ
02747300301 - 0908545578

Vốn Điều Lệ Là Gì? Vai Trò Và Ý Nghĩa Của Vốn Điều Lệ

Ngày đăng: 12/10/2022

    Vốn điều lệ là gì? Vai trò, ý nghĩa của vốn điều lệ ra sao? Hãy cùng Kế Toán Đại Tín Bình Dương tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.

    Ngày nay, thuật ngữ vốn điều lệ đã không còn xa lạ với chúng ta. Hôm nay, Kế Toán Đại Tín Bình Dương sẽ trình bày đến bạn tất tần tật những kiến thức liên quan để bạn có thể tự tin trả lời câu hỏi “vốn điều lệ là gì?”.

    Vốn điều lệ là gì?

    Von dieu le la gi

    Theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020:

    “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”

    Phân biệt vốn điều lệ và vốn pháp định

    Sự khác nhau giữa vốn điều lệ và vốn pháp định sẽ được Kế Toán Đại Tín Bình Dương trình bày ngay sau đây:

    • Vốn điều lệ

    Là tổng số vốn được chủ sở hữu và các thành viên đã góp và cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ của công ty;

    • Vốn pháp định

    Là mức vốn tối thiểu do pháp luật quy định mà doanh nghiệp bắt buộc phải có khi thành lập và chỉ áp dụng cho một số ngành nghề nhất định. Vốn pháp định sẽ khác nhau tùy theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.

    => Điểm giống nhau: đều do chủ sở hữu và thành viên góp khi thành lập;

    => Điểm khác nhau: vốn pháp định ≤ vốn điều lệ.

    Cần chứng minh vốn điều lệ hay không?

    Pháp luật Việt Nam không yêu cầu các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam phải chứng minh vốn điều lệ khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, đồng thời cũng không kiểm tra tiến độ góp vốn của chủ doanh nghiệp.

    Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải góp đủ số vốn đã đăng ký trong thời hạn quy định và nếu phát sinh vấn đề, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trên số vốn đã đăng ký.

    Vốn điều lệ công ty cổ phần

    Theo điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020:

    “Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty”.

    Vốn điều lệ của công ty cổ phần sẽ được chia thành nhiều phần bằng nhau. Khi đăng ký thành lập công ty cổ phần, cổ phần đã bán là tổng số các cổ phần đã được các đăng ký mua và đã thanh toán đủ cho công ty.

    Vốn điều lệ công ty TNHH 1 thành viên

    Vốn điều lệ của công ty TNHH 1 thành viên là tổng giá trị tài sản cho chính chủ sở hữu công ty cam kết góp và được ghi trong điều lệ của công ty. Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ.

    Vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên

    Vốn điều lệ của công ty TNHH 2 thành viên trở lên là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong điều lệ công ty. Các thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 điều 47 của Luật này.

    Thời hạn góp vốn điều lệ

    Thoi gian gop von dieu le

    Chủ sở hữu/thành viên/cổ đông phải góp đủ vốn cho công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản hay vận chuyển, nhập khẩu tài sản.

    Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, thì:

    • Đối với công ty TNHH 1 thành viên: Chủ sở hữu phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng với giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ;
    • Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên: phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo đúng quy định của pháp luật;
    • Đối với công ty cổ phần: Phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với mệnh giá từ số cổ phần đã được thanh toán đủ, đồng thời phải thay đổi cổ đông sáng lập công ty.

    Nên đăng ký vốn điều lệ cao hay thấp?

    Trừ các loại hình kinh doanh có quy định về số vốn điều lệ, các trường hợp khác vốn điều lệ hầu như không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty mà chỉ ảnh hưởng đến lệ phí môn bài. Cụ thể:

    Loại hình tổ chức và vốn

    Thuế môn bài

    Doanh nghiệp/tổ chức có vốn điều lệ > 10 tỷ đồng

    3.000.000 đồng/năm

    Doanh nghiệp/tổ chức có vốn điều lệ ≤ 10 tỷ đồng

    2.000.000 đồng/năm

    Chi nhánh, văn phòng đại diện và các tổ chức khác

    1.000.000 đồng/năm

     

    Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: Vốn điều lệ chính là sự cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp với khách hàng, đối tác. Do đó:

    • Nếu vốn điều lệ thấp thì khó tạo được niềm tin cho khách hàng, đối tác. Đồng thời, việc vay vốn ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi vay số vốn ngoài vốn điều lệ của công ty;
    • Nếu vốn điều lệ cao thì việc tạo niềm tin cho khách hàng, đối tác dễ dàng hơn và việc vay vốn ngân hàng cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt là trong các hoạt động đấu thầu.

    Việc tăng vốn điều lệ sẽ dễ dàng hơn là giảm. Do đó, doanh nghiệp nên dựa vào năng lực tài chính của thành viên, định hướng kinh doanh cũng như quy mô hoạt động để chọn mức vốn điều lệ phù hợp. Sau thời gian hoạt động ổn định thì công ty có thể tăng mức vốn điều lệ sau.

    Vai trò, ý nghĩa của vốn điều lệ

    Vai tro va y nghia cua von dieu le

    Vốn điều lệ có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với một doanh nghiệp. Cụ thể:

    • Là cơ sở để xác định tỷ lệ góp vốn hay tỷ lệ sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong công ty. Từ đó làm cơ sở để phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty;
    • Theo Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều là là mức trách nhiệm mà công ty phải chịu về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn đã góp;
    • Đối với các loại hình kinh doanh có điều kiện, vốn điều lệ là một trong những cơ sở để xác định điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật;
    • Vốn điều lệ liên quan đến lòng tin của khách hàng, đối tác và khi vay ngân hàng.

    => THAM KHẢO NGAY: Quy Trình Và Các Thủ Tục Thành Lập Văn Phòng Đại Diện 

    Vừa rồi, Kế Toán Đại Tín Bình Dương đã cung cấp đầy đủ những thông tin liên quan đến vốn điều lệ của công ty. Hy vọng chúng tôi đã giúp bạn có thể trả lời những vấn đề xung quanh câu hỏi “vốn điều lệ là gì?” một cách dễ dàng hơn rồi. Nếu bạn thấy bài viết có ý nghĩa, hãy chia sẻ nó đến mọi người để cùng nhau có thêm kiến thức bạn nhé.

    Zalo
    Hotline